Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Chủ nhật, ngày 24/09/2023

Tổng hợp hỏi đáp Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: lương công đức - sở bcvt Phú Yên
congduc75@yahoo.co.uk

Kính chào Thứ trưởng Trần Đức Lai 1/ Xin Thứ Trưởng cho biết việc quản lý các trạm BTS ở các địa phương trên cả nước được quản lý theo TTLT 01 và 12 về quản lý phát triển trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng BTS ở các địa phương hiện nay như thế nào? 2/ Bộ TTTT đã có Thông tư hay văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng chung trạm BTS chưa? Nếu có thì ở văn bản nào? tránh gây lãng phí việc đầu tư xây dựng nhà trạm và làm mất mỹ quan đô thị? 3/ Hiện nay theo tôi được biết tất cả thủ tục cấp phép về lĩnh vực BCVT, CNTT đều thông qua các cơ quan trực thuộc Bộ. Vậy Bộ có chủ trương chuyển những loại giấy phép nào về các sở địa phương cấp? quy định các loại phí và lệ phí mà tổ chức, cá nhân phải nộp? tránh việc mất thời gian đi lại của doanh nghiệp thực hiện theo chủ trương CCHC của Chính phủ. Xin chúc Thứ trưởng và gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Cảm ơn Thứ trưởng! Chào trân trọng

- 11 năm trước
Trả lời:

Để đẩy mạnh phát triển mạng viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy phép xây dựng trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) mà vẫn đảm bảo không trái với Luật Xây dựng, Liên Bộ Xây dựng - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT ngày 11/12/2007 hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị.

Theo đó:

+ Các trạm BTS được xây dựng trực tiếp trên đất (BTS loại 1), việc cấp giấy phép xây dựng thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 02/2007/TT-BXD của Bộ Xây dựng và theo khoản 2, mục I của Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT.

+ Các trạm BTS được lắp đặt trên các công trình xây dựng sẵn có (BTS loại 2) nếu thuộc Khu vực phải xin phép xây dựng thì cần có Giấy phép xây dựng. Khu vực phải xin phép xây dựng ở các đô thị bao gồm:

++./ Khu vực sân bay,  khu vực an ninh quốc phòng

++./ Khu vực trung tâm văn hoá, chính trị cần phải quản lý về kiến trúc, cảnh quan đô thị.

++./ Các khu vực khác cần phải quản lý về kiến trúc, cảnh quan đô thị.

+ Các trạm BTS loại 2 nằm ngoài Khu vực phải xin phép xây dựng thì được miễn Giấy phép xây dựng nhưng phải đảm bảo các điều kiện nêu tại Thông tư liên tịch 12 nêu trên.

1.2. Theo Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và Nghị định 160/2004/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung cơ sở hạ tầng. Việc sử dụng chung các trạm phát sóng sẽ tránh lãng phí nhưng việc sử dụng chung này cũng phải phù hợp với qui hoạch, thiết kế mạng của từng doanh nghiệp chứ không đơn thuần là việc lắp đặt các ăn ten trên cùng 1 cột. Ví dụ, cùng 1 cột, nhà khai thác A xây dựng và đã sử dụng vị trí về độ cao và hướng này rồi thì các nhà khai thác khác muốn dùng cùng độ cao và hướng đó sẽ không thể lắp đặt ăn ten vào đấy được nữa. Sắp tới nội dung này sẽ được qui định chi tiết hơn trong Luật Viễn thông.

Triển khai Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 243/BTTTT-KHTC hướng dẫn các Sở BCVT cần cụ thể hóa các tiêu chí nhằm xác định phạm vi và công bố Khu vực phải xin phép xây dựng tùy theo tình hình quy hoạch xây dựng đô thị tại địa phương.

1.3./ Cũng theo Thông tư liên tịch số 12/TTLT/BXD-BTTTT và văn bản số 243/BTTTT-KHTC hướng dẫn trên, Sở BCVT cần nắm bắt, yêu cầu các doanh nghiệp đề xuất kế hoạch và báo cáo dự kiến vị trí xây dựng các trạm BTS loại 2 ở đô thị và trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành trên địa bàn để thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan của địa phương để khoanh vùng, xác định phạm vi cần xin phép xây dựng. Đặc thù của viễn thông hoàn toàn khác với các lĩnh vực dịch vụ khác, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ mang tính toàn quốc, không thể có mạng công cộng chỉ cung cấp dịch vụ cho 1 tỉnh vì khả năng truy cập của bất kỳ 1 thuê bao nào trên toàn quốc (điện thoại, Internet) đến mạng, do vậy để thống nhất quản lý, tránh chồng chéo, đầu tư lãng phí thì việc quản lý việc cấp phép cần phải tập trung, đây cũng là thông lệ quốc tế. Tại Việt Nam việc này đã được qui định tại Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông và Nghị định 160/2004/ND-CP.

 

 

Độc giả: ĐỖ TẤN HUY - 41C Nguyễn Trãi Tuy Hòa - Phú Yên
dongacoltd@gmail.com

Xin đại diện Bộ bưu chính Viễn Thông cho biết việc mạng di động HT mobile chuyển đổi sang công nghệ eGSM thì HTmobile đã trình lên Bộ về cách tổ chức phân cấp loại cữa hàng nào, đại lý cấp nào của HT được phép đổi máy và hướng dẫn khách hàng. Bộ có lập ra đường dây nóng để hỗ trợ cho các đại lý , khách hàng trong thời gian HT thực hiện việc chuyển đổi không. Hiện tại HT đã thu lại hàng tồn của đại lý về đã gần 1 tháng nhưng tất cả các cũa hàng , đại lý của HT chưa nhận được một công văn nào từ HT về giá trị đề bù khi nào đại lý được nhận lại tiền của những hàng hóa bị tồn mà HT đã thu của đại lý. HT đã tự ý cho thu toàn bộ máy tính Tài sản của các đại lý mang về mà không có 1 công văn của lãnh đạo HT mobile gửi cho đại lý. Đơn cử tại TP Nha Trang HT đã hợp tác mở đại lý chuyên HT là CTY TNHH ĐÌNH KHIÊM đại lý cấp 1 tại 20 Ngô Gia Tự , đại lý không chuyên Mobimart , đại lý cấp 2 TÂN VIỄN THÔNG . Khi HT chọn đại lý để thực hiện việc đổi máy cũng như hướng dẫn khách hàng thay đổi công nghệ thì nhân viên HT đã chọn đại lý TÂN VIỄN THÔNG là nơi đổi máy còn đại lý chuyên HT ĐÌNH KHIÊM thì không được chọn để đổi máy , hướng dẫn khách hàng thay đổi công nghệ việc này Bộ có biết không?

- 11 năm trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, không quản lý theo dạng Bộ chủ quản như trước đây, vì vậy không can thiệp quá sâu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bộ đang thẩm định đề ám của HT xin chuyển công nghệ, trong đề án chuyển đổi công nghệ của mình, HT đã có những phương án, giải pháp để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng như đổi máy, gửi thuê bao sang mạng S-Fone. Trong quá trình thực hiện, HT sẽ có những phương án cụ thể và thông báo tới những thuê bao của mạng. Bộ sẽ giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện này. Cụ thể về những đại lý mà bạn hỏi, Bộ sẽ chuyển câu hỏi này đến HT và yêu cầu HT trả lời bạn cụ thể.

Độc giả: Nguyễn Văn Thanh - Vạn Thái, Hà Tây
ictnews@mic.gov.vn

Hiện nay các mạng di động luôn chạy đua khuyến mãi nhân 3 tài khoản. Trên thực tế nhiều khách hàng trong túi có hàng chục chiếc sim. Như vậy, nguồn lực của các mạng di động hay nói cách khác là tiền của Nhà nước đang bị các mạng di động lãng phí và để lại là số thuê bao ảo. Trong khi đó chúng tôi là những thuê bao trả sau của mạng Vinaphone gần chục năm nay nhưng chưa bao giờ nhận được sự chăm sóc gì từ nhà khai thác.Vậy Bộ có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này hay không?

- 11 năm trước
Trả lời:

Trong cơ chế thị trường có cạnh tranh, các doanh nghiệp đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng là chuyện bình thường, tất nhiên phải đúng quy định của Luật cạnh tranh và phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Đúng là có hiện tượng 1 người có nhiều sim trả trước, để hạn chế hiện tượng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định quản lý chặt thuê bao trả trước. Hiện các doanh nghiệp đang triển khai.

Việc bạn chưa bao giờ nhận được sự chăm sóc của Vinaphone, điều này phụ thuộc vào các chương trình chăm sóc khách hàng của Vinaphone.

 

 

Độc giả: Lê Ngọc Duy - hẻm 263, đường Lê Thị Riêng, TP.HCM
ictnews@mic.gov.vn

Lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng các mạng di động vẫn tranh nhau nhận mình là số 1. Tại sao sau bao nhiêu năm phát triển viễn thông lẽ nào chúng ta không có được con số thuê bao thực của các mạng di động để công bố cho xã hội hay sao? Bao giờ Bộ chính thức ra tay để giải quyết vấn đề này?

- 11 năm trước
Trả lời:

Hàng năm Bộ vẫn có báo cáo về số thuê bao của các mạng nhưng để có số thực sự chính xác và cùng một thời điểm để so sánh giữa các doanh nghiệp thì còn phải có những qui định rất cụ thể ví dụ cước phát sinh tại thời điểm, thuê bao đã kích hoạt hay chưa, . . . nếu qui định quá chặt chẽ sẽ gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp. Để tiến hành thống kê, các doanh nghiệp vẫn có báo cáo cho Bộ, nhưng thực tế trong 1 ngày thì có hàng nghìn thuê bao vào mạng cũng như hàng nghìn thuê bao ra khỏi mạng, do vậy dưới góc độ quản lý nhà nước thì việc quản lý quá chi tiết và chính xác có thể gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp. Với những qui định của Bộ, hàng năm Bộ vẫn có những con số thống kê và thông báo về số thuê bao của các doanh nghiệp.

Độc giả: Quang Phát - Người dân ở Ô Chợ Dừa, Hà Nội
ictnews@mic.gov.vn

Tôi thấy hiện nay ở Hà Nội, các đường dây điện thoại và Internet treo như mạng nhện trông rất mất mỹ quan, thậm chí nó còn là thòng lọng giết chết người đi đường. Vậy Bộ sẽ có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này. Trong trường hợp người dân như chúng tôi bị tai nạn do những chiếc thòng lọng này thì sẽ được bồi thường ra sao?

- 11 năm trước
Trả lời:
Trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp đã triển khai mạng cáp, nhất là mạng cáp thuê bao, đúng là có hiện tượng như bạn nêu, Bộ đã yêu cầu các Sở phối hợp với cơ quan hữu quan của các tỉnh, thành, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh đã có chương trình này. Việc này Bộ đã có những buổi làm việc với Uỷ ban các tỉnh nhưng cũng cần sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ và quyết liệt của Uỷ ban nhân dân các Tỉnh, thành phố vì mỗi tỉnh, thành phố có những đặc thù hoàn toàn khác nhau.
Độc giả: Nguyễn Thị Bảo Phượng - 28b vạn bảo
barobaofuong85@gmail.com

xin thứ trưởng cho biết về việc xây dựng Nghị định Internet thay thế Nghị định 55 đã tiến hành đến giai đoạn nào? Có điểm gì mới của nghị định này sẽ tác động nhiều nhất đến những người sử dụng Internet ở VN

- 11 năm trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 55 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và đã trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành. Nghị định thay thế Nghị định 55 được gồm có một số nội dung bổ sung, sửa đổi quan trọng như sau:

a)      Cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp tất cả các loại hình dịch vụ Internet (dịch vụ kết nối, truy nhập, ứng dụng Internet): Đây là một trong các giải pháp thị trường mà Bộ sẽ sử dụng để thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho người sử dụng có thể lựa chọn các dịch vụ tốt, bằng cách cho phép các doanh nghiệp mới, các DN có năng lực tham gia vào thị trường.

b) Tạo điều kiện nâng cao chất lượng và giảm chi phí cung cấp dịch vụ: Nhằm thúc đẩy Internet phát triển, Nghị định thay thế Nghị định 55 qui định mọi doanh nghiệp Internet đều có quyền thuê kênh để trực tiếp kết nối với Internet quốc tế và với các trạm trung chuyển Internet. Đây là một trong các giải pháp về kỹ thuật nghiệp vụ giúp các DN giảm chi phí, và nâng cao chất lượng dịch vụ.

c) Thúc đẩy phát triển Internet băng rộng: Để thúc đẩy các dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao (xDSL), Nghị định cũng qui định buộc các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng viễn thông phải có trách nhiệm cung cấp đường truyền dẫn viễn thông và phân tách mạch vòng nội hạt khi có yêu cầu của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không có hạ tầng mạng có thể triển khai dịch vụ Internet băng rộng.

Hy vọng với những điểm mới trong Nghị định thay thế Nghị định 55 nói trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng, giảm giá thành dịch vụ Internet, tạo ra nhiều cơ hội sử dụng dịch vụ Internet và cơ hội lựa chọn sử dụng dịch vụ Internet chất lượng cao cho người dân.

 

Nghị định đưa ra các qui định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong việc phát triển dịch vụ (về kết nối đặc biệt là kết nối quốc tế,  sử dụng chung cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính,…). Những chính sách đó sẽ mang lại cho người sử dụng khả năng sử dụng các dịch vụ Internet với giá thấp hơn và chất lượng cao hơn.  Tuy nhiên điểm quan trọng sẽ tác động nhiều nhất đến những người sử dụng Internet ở VN chính là qui định về quản lý nội dung thông tin, cụ thể như sau:

Trước đây, mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thiết lập trang thông tin điện tử đếu phải có giấy phép.  Dự thảo Nghị định mới thể hiện rõ quan điểm người sử dụng có quyền đưa thông tin lên Internet và phải tự chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin đó. Như vậy, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thể tự thiết lập trang thông tin điện tử của mình, để quảng bá và giới thiệu về mình mà không cần có giấy phép. Điều đó sẽ tác động trực tiếp (tạo đk thuận lợi) đến hàng triệu người sử dụng Internet vì với sự phát triển của Internet, của chính phủ điện tử và thương mại điện tử, hàng vạn các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cần thiết lập website, hàng triệu người sử dụng đã và đang thiết lập blog. Theo dự thảo mới này, chỉ có những trang tin báo chí (báo điện tử) và những trang tin tổng hợp chính trị, kinh tế, xã hội là cần có giấy phép.