Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ ba, ngày 30/05/2023

Tổng hợp hỏi đáp Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: Nguyễn Tấn Kiệt - 585 đường Phạm Hùng, phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
nguyentankiet1974@gmail.com

Kính gửi : Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày 18 tháng 10 năm 2021 Chính phủ có ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong đó có quy định mỗi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có 01 chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Căn cứ theo quy định mới tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông.

Theo tôi được biết. Hiện nay chỉ có trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin Truyền thông là trường duy nhất đủ điều kiện bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ với nhà trường thì nhà trường trả lời phải đợi Quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành chương trình bồi dưỡng nêu trên.

Vậy cho tôi hỏi : Khi nào Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim để cho những viên chức được bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ.

Xin cảm ơn.

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Vụ Tổ chức cán bộ) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Ngày 18 tháng 10 năm 2021 Chính phủ có ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong đó có quy định mỗi tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành có 01 chương trình, tài liệu bồi dưỡng.

Căn cứ theo quy định mới tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 07/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông.

Trên cơ sở 02 văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông mới có đủ sở cứ để xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim.

 

Hiện nay 04 chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim đã được xây dựng và dự kiến xin ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong cả nước vào tháng 5 năm 2023 để hoàn thiện trước khi ban hành. 

Độc giả: Nguyễn Ngọc - Quảng Nam
2nh512@gmail.com

Trong Nghị định 42/2022/NĐ-CP, tại khoản 1 điều 6 có nội dung:"Cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có trang thông tin điện tử thì phải là thành phần của Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương."  Xin hỏi như thế nào Trang thông tin các cơ quan được xem là thành phần của Cổng TTĐT vậy (có phải là đặt liên kết của Trang ở trên Cổng, RSS,...) theo đúng yêu cầu vậy, có quy định nào giải thích rõ hơn không ?

Xin cảm ơn.

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số quốc gia) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, ngày 04/10/2022, Bộ TT&TT đã gửi các bộ, ngành, địa phương Văn bản số 4946/BTTTT-CĐSQG về việc hướng dẫn triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, trong đó có nội dung hướng dẫn việc Triển khai cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng như sau:

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai phát triển Cổng thông tin điện tử theo quy định tại khoản 1, Điều 6 của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. 

- Cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã đã triển khai cổng/trang thông tin điện tử nhưng chưa tuân thủ khoản 1, Điều 6 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP:

+ Trước hết, đặt đường liên kết của trang thông tin điện tử lên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để người sử dụng truy cập, tìm kiếm thông tin thuận tiện;

+ Có kế hoạch chuyển đổi trong vòng 02 năm kể từ khi Nghị định số 42/2022/NĐ-CP có hiệu lực để bảo đảm trang thông tin điện tử là thành phần của Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về đề nghị hướng dẫn kỹ thuật chi tiết cho trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hiện tại, Bộ TT&TT đang giao Cục Chuyển đổi số quốc gia thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng Thông tư hướng dẫn về chức năng, tính năng kỹ thuật và yêu cầu quản lý đối với Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Thời hạn hoàn thành: Tháng 10/2023”. Đầu mối triển khai nhiệm vụ của Cục CĐSQG: đ/c Đỗ Lập Hiển, Trung tâm Công nghệ số quốc gia, email: dlhien@mic.gov.vn.

 

Độc giả: Phạm Thị Dinh - huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
phamdinh8487@gmail.com

Kính chào Qúy Bộ!

Mong Qúy Bộ thông tin giúp Trong tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cấp huyện thì tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến của cấp huyện có bao gồm cả cấp xã không!

Mong Qúy Bộ thông tin phản hồi!

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số quốc gia) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Bộ TT&TT đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh theo Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 là đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là bộ), các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh), bao gồm cả những kết quả chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, tỉnh.

Tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT, Bộ TT&TT cũng quy định "Các bộ, các tỉnh căn cứ vào DTI được phê duyệt tại Quyết định này, xây dựng và đưa vào triển khai DTI áp dụng trong nội bộ của bộ, tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, tỉnh để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác theo dõi, đánh giá chuyển đổi số". Do vậy, nếu tỉnh đã xây dựng DTI để đánh giá trong nội bộ để đánh giá sở, ban, ngành, huyện thì áp dụng chung là đánh giá cả những kết quả chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị thuộc sở, ban, ngành, huyện (gồm cả xã).

Độc giả: Đỗ Thị Ngọc Anh - 105B Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội
ngocanhbaoin@gmail.com

 Kính thưa đơn vị, 

Tôi là Đỗ Thị Ngọc Anh, Phóng viên Tạp chí Xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Từ ngày 28/3/2023, tôi có gửi email đề nghị cấp tài khoản sử dụng hệ thống khai nộp hồ sơ cấp thẻ nhà báo bằng email: ngocanhbaoin@gmail.com. Email tòa soạn là: tapchixaydungdang@btctw.dcs.vn 

Tuy nhiên đến nay, tôi vẫn chưa nhận được email phản hồi về việc cấp tài khoản.

Mong nhận được phản hồi từ đơn vị

Trân trọng cảm ơn./.

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Báo chí) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Mỗi cơ quan báo chí chỉ được cấp 01 tài khoản để đăng nhập hệ thống Quản lý hồ sơ thẻ nhà báo (thenhabao.mic.gov.vn) dùng để quản lý hồ sơ thẻ nhà báo, khai hồ sơ đề nghị cấp, đổi thẻ nhà báo cho nhân sự công tác tại cơ quan báo chí. Tài khoản này do cơ quan báo chí quản lý và chịu trách nhiệm.

Tạp chí Xây dựng Đảng đã được Cục Báo chí cấp tài khoản và mật khẩu tại địa chỉ thư điện tử do Tạp chí cung cấp.

Việc này Phòng Quản lý báo chí đã trao đổi với lãnh đạo Tạp chí Xây dựng Đảng và trả lời trực tiếp bà Đỗ Thị Ngọc Anh khi bà Anh liên hệ qua điện thoại.

 

Cục Báo chí một lần nữa cung cấp thông tin để bà Đỗ Thị Ngọc Anh biết.
Độc giả: Nguyễn Mười - Hà Nội
muoinv@gmail.com

 Kính gửi Quý cơ quan,

Hiện nay việc lập dự toán phần mềm nội bộ đang được thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 2589 /BTTTT-ƯDCNTT ngày 24 tháng 08 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, tại Phụ lục VI, thời gian lao động (P) được xác định trên cơ sở nội suy độ ổn định kinh nghiệm (đơn vị tính: giờ), có 3 mức là 20, 32, 48. 

Qua thực tế phát triển của ngành lập trình, có thể nhận thấy, đến nay đối với các bài toán nghiệp vụ cơ bản để xây dựng các ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước thì các lập trình viên đã xây dựng được các thư viện, mã nguồn... sẵn có, hỗ trợ rất tốt cho công tác lập trình các dự án mới. Vì vậy, thời gian lao động (P) nói trên có thể giảm xuống (vì không phải làm mới hoàn toàn). Do vậy, tôi đề nghị Cục Chuyển đổi số quốc gia - đơn vị chủ trì việc xây dựng phương pháp lập dự toán phần mềm nội bộ - nghiên cứu để đưa ra các mức mới cho P, nhằm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Theo ý kiến của cá nhân tôi, P mới có thể giảm xuống 50%, tức mức mới sẽ là 10, 16, 24.

Rất mong nhận được sự quan tâm của Quý cơ quan!

- 1 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số quốc giá) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Tiếp thu ý kiến của độc giả. Bộ Thông tin và Truyền đã ban hành kế hoạch tổng kết, đánh giá toàn diện việc Hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ tại công văn số 2589 /BTTTT-ƯDCNTT. Theo đó, Bộ dự kiến giao Cục Chuyển đổi số quốc gia và các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện tổng kết, đánh giá; khảo sát; tham vấn ý kiến các cơ quan, tổ chức nhà nước, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, từ đó tham mưu, đề xuất về việc hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ.

Độc giả: Nguyễn Thiện Quang - Trương công giai, Hà Nội
thienquang.hn@gmail.com

Kính gửi Bộ TT&TT

Chúng tôi là đơn vị tư vấn, nếu tham gia gói thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn thiết kế thi công hạng mục CNTT trong đó có thiết bị bảo mật (wifi) thì chúng tôi có bắt buộc phải có giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ATTT mạng hay không (giấy phép cung cấp Dịch vụ tư vấn an toàn Thông tin mạng).

Trân trọng cảm ơn!

- 2 tháng trước
Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Dịch vụ tư vấn an toàn thông tin mạng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, cần giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng khi thực hiện triển khai, cung cấp hoạt động dịch vụ.

Theo quy định quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 3 Nghị định 108/2016/NĐ-CP, Dịch vụ tư vấn an toàn thông tin mạng là dịch vụ hỗ trợ tư vấn, kiểm tra, đánh giá, triển khai, thiết kế, xây dựng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin.

Do đó, để xác định đúng loại hình dịch vụ tư vấn, kính đề nghị Quý Đơn vị bổ sung: mô tả chi tiết về thành phần, giải pháp của hệ thống thiết bị kỹ thuật (kèm tài liệu kỹ thuật của sản phẩm) dự định triển khai lắp đặt.

Trong trường hợp cần hỗ trợ, Quý độc giả có thể liên hệ anh Từ Phúc Luân: số điện thoại 0916094444; thư điện tử: tpluan@mic.gov.vn để được giải đáp.