Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Thứ sáu, ngày 02/06/2023

Số hóa truyền hình mặt đất Gửi thông tin hỏi đáp

Độc giả: Phạm Văn Hoàn - Số 44 Triều Khúc, Phường Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
hoanpv@erktransport.com

Kính gửi Bộ Thông tin và Truyền thông,

Công ty chúng tôi đang có kế hoạch nhập khẩu mặt hàng camera hành trình có tích hợp phát wifi cự ly ngắn để kế nối với điện thoại thông minh, có dải băng tần từ 2.4GHz - 5GHz, có tích hợp bộ lưu trữ dữ liệu và hình ảnh, tuy nhiên kiểm tra trong thông tư 01/2021/BTTTT, chúng tôi không thấy mô tả nào trùng với mặt hàng camera như trên, vậy mong quý cơ quan giải đáp câu hỏi: "Mặt hàng trên có cần làm công bố hợp quy và chứng nhận hợp quy của Bộ TTTT hay không?".

Xin trân thành cảm ơn?

- 1 năm trước
Trả lời:

Căn cứ quy định Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT ngày 14/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 01/2021/TT-BTTTT ngày 14/5/2021 để xem xét sản phẩm, hàng hóa có thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông,

- Sản phẩm, hàng hóa là camera không thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT ngày 14/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 01/2021/TT-BTTTT ngày 14/5/2021  của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Trường hợp chức năng truyền dữ liệu của camera có tích hợp đặc tính đầu cuối thông tin di động GSM/W-CDMA FDD/E-UTRA FDD/5G thì phải đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BTTTT ngày 14/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 01/2021/TT-BTTTT ngày 14/5/2021  của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Độc giả: Dân Công Trình - Quận 7, TP.HCM
thicongmangvn@gmail.com

Phần công việc xây dựng hạ tầng và lắp đặt thiết bị mạng LAN (thi công mạng LAN), hệ thống điện thoại nội bộ trong tòa nhà được gọi là công trình hay hạng mục công trình? Nếu là công trình thì được liệt kê vào cấp bao nhiêu?

- 1 năm trước
Trả lời:

Rà soát pháp luật về viễn thông cho thấy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Nghị định 25/2011/NĐ-CP thì “Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng tòa nhà có nhiều chủ sử dụng (chung cư, tòa nhà văn phòng, khách sạn) có trách nhiệm thiết kế, lắp đặt hệ thống cáp viễn thông, điểm truy nhập trong tòa nhà”, ngoài ra không điều chỉnh đối với các nội dung liên quan đến công trình, hạng mục công trình, phân cấp công trình.

Việc phân cấp công trình hiện nay được thực hiện theo pháp luật về xây dựng, cụ thể là tại Thông tư 06/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, vì vậy đề nghị Độc giả liên hệ với Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, giải quyết.
Độc giả: Nguyễn Ngọc Luyến - Thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh
ngocluyendtv@gmail.com

Xin chào anh/chị: Em muốn học lớp bồi dưỡng cấp "chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Âm thanh viên hạng III", chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Biên tập viên hạng II. kỹ sư hạng III thì học ở đâu. Em xin cám ơn!

- 1 năm trước
Trả lời:

Căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức để triển khai bồi dưỡng cấp chứng chỉ đối với các chức danh nghề nghiệp viên chức, bao gồm: biên dịch viên, đạo diễn truyền hình, an toàn thông tin, quản trị viên hệ thống, kiểm định viên công nghệ thông tin, phát triển phần mềm, âm thanh viên, kỹ thuật dựng phim, phát thanh viên, quay phim. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do có chủ trương thay đổi về quy định về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức (ngày 18/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức), Bộ Thông tin và Truyền thông chưa thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp viên chức nói trên.

Thực hiện Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình, âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành Thông tin và Truyền thông (sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTTTT-BNV và Thông tư số 46/2017/TT-BTTTT).

Sau khi Thông tư này được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành TTTT theo quy định mới. 

Độc giả: Võ Thành Nam - 219 ấp 3 xã Định Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre
vtnam1989@gmail.com

 Xin chào chuyên mục hỏi đáp Cổng TTĐT Bộ TT&TT,

Tôi có 1 vướng mắc xin được giải đáp. Tôi hiện đang làm IT trong đơn vị sự nghiệp công lập (trình độ đại học), đã thi đậu vào biên chế nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng Quản trị viên hệ thống hạng III nên chưa được xếp vào ngạch và không được tăng lương theo thâm niên (3 năm 1 lần). Như vậy có đúng theo quy định không và tôi phải học chứng chỉ đó ở đâu? Tôi tìm trên internet không thấy nơi nào mở lớp đào tạo. Giờ tôi phải làm sao? Xin cám ơn!

- 1 năm trước
Trả lời:

Căn cứ quy định của pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức để triển khai bồi dưỡng cấp chứng chỉ đối với các chức danh nghề nghiệp quản trị viên hệ thống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do có chủ trương thay đổi về quy định về chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức (ngày 18/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức), Bộ Thông tin và Truyền thông chưa thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh quản trị viên hệ thống.

Thực hiện Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương đối với Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin (thay thế Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT). Sau khi Thông tư này được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành CNTT theo quy định mới.

Việc hoàn thiện chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành CNTT theo quy định mới không ảnh hưởng đến việc hưởng lương và nâng lương của viên chức.

Độc giả: Nguyễn Thị Minh Thanh - Tp.HCM
thanh.vprint@gmail.com

Tôi muốn biết: Nếu in sách Xuất Khẩu (bản thảo tiếng anh) của khách hàng nước ngoài (Không lưu hành tại Việt Nam) thì có cần phải xin giấy phép xuất bản cho loại sách này không?

 

- 1 năm trước
Trả lời:

Theo quy định tại Điều 34 Luật Xuất bản năm 2012, cơ sở in muốn in gia công xuất bản phẩm (sách) cho tổ chức cá nhân nước ngoài phải được Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép và xuất bản phẩm in gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải xuất khẩu 100%.

Độc giả: Phạm Anh Tuấn - Phú Hà, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
phamanhtuan280979@gmail.com

Kính gửi Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tôi xin được hỏi về lĩnh vực nhượng quyền Bưu chính. Hiện nay trong lĩnh vực hoạt động Bưu chính, có công ty TNHH Vinacapital Việt Nam, mà nhà đầu tư chính là công Ty Best Inc Việt Nam đến từ Trung Quốc, đang hoạt động bưu chính theo hình thức nhượng quyền, hiện tại đang có rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam tham giao hệ thống.

Khi tham gia vào hệ thống bưu cục, các nhà đầu tư Việt Nam phải thực hiện đặt cọc tiền để hoạt động. Bình quân 1 Bưu cục (1 nhà được nhượng quyền) phải đặt cọc từ 300 triệu đến 700 triệu. Với số tiền như vậy là rất lớn khi có đến nghìn người tham gia vào, việc này gây ra rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư Việt Nam, khi bên nhượng quyền gặp rủi ro trong kinh doanh hoặc rút vốn về nước.

Vậy Bộ cho tôi xin được hỏi, việc đặt cọc như trên phải luật Việt Nam có phép thực hiện không? 

Và tại sao hình thức bảo lãnh bởi bên thứ 3 không được triển khai (đặt cọc bảo lãnh qua ngân hàng), như vậy thì giải được rủi ro cho người đầu tư tham gia vào lĩnh vực hoạt động này.

 

Vậy tôi kính mong Bộ TT&TT quan tâm và hỗ trợ tôi những câu hỏi trên.

 

- 1 năm trước
Trả lời:

 Về câu hỏi trên, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

Việc đặt cọc, bảo lãnh được điều chỉnh theo quy định pháp luật dân sự (Điều 328, Điều 335 –343 Bộ Luật Dân sự 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành).

Việc lựa chọn hình thức đặt cọc hay bảo lãnh phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các bên tham gia ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Nếu xét thấy trường hợp sử dụng hình thức đặt cọc có rủi ro, bên nhận nhượng quyền chủ động trao đổi, đàm phán với bên nhượng quyền để chuyển sang sử dụng hình thức bảo lãnh theo quy định của pháp luật dân sự.

Trong quá trình thực hiện nếu có tranh chấp, hai bên có thể khởi kiện ra tòa án để giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành./.